Luật Địa chất và Khoáng sản gỡ khó cho địa phương trong quản lý, bảo vệ khoáng sản
Gỡ khó cho địa phương trong quản lý, bảo vệ khoáng sản
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản. Dự thảo Luật gồm 12 chương và 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010). Trong đó, dự thảo Luật có một số điểm mới, nổi bật như: Phân nhóm khoáng sản để thực hiện quản lý khoáng sản theo nhóm; phân cấp mạnh cho địa phương cấp tỉnh; cải cách hành chính; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng kinh tế hàng năm; sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược...
Đáng chú ý, về cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có 23 thủ tục. Trong số này, 18 thủ tục được kế thừa từ hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản hiện hành, 5 thủ tục mới (bao gồm điều chỉnh giấy phép thăm dò; cấp lại giấy phép thăm dò; điều chỉnh giấy phép khai thác; cấp lại giấy phép khai thác; điều chỉnh đề án đóng cửa mỏ) nhằm giải quyết các yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý và để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản. Các thủ tục hành chính đã được rà soát, đơn giản tối đa trình tự, thủ tục giải quyết. Ví dụ, đối với khoáng sản nhóm IV, thay vì phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác thì chỉ cần thực hiện đăng ký khai thác khoáng sản (cắt giảm 90% thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp).
Lào Cai là một tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản có trên 35 loại khoáng sản khác nhau với trên 150 điểm mỏ có giá trị công nghiệp, trong đó có nhiều loại khoáng sản quý, có chất lượng cao, trữ lượng lớn hàng đầu Việt Nam như: Apatít (2,2 tỷ tấn), sắt (150 triệu tấn), đồng (100 triệu tấn), vàng, môlípđen, fenspat, graphít,... Đây là tiền đề thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Xác định Khoáng sản là tài nguyên quốc gia thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu. Tỉnh Lào Cai luôn quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản. Tại các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XV, XVI nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 tiếp tục xác định tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm, Tỉnh ủy đã ban hành 02 Đề án về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn của tỉnh; UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, xác định rõ lộ trình triển khai thực hiện cho từng giai đoạn, đưa các chỉ tiêu cụ thể vào kế hoạch hàng năm. Thông qua đó đã huy động được cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp đã tham gia, phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và môi trường.
Những năm qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai những năm qua cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh và trong nước, góp phần tạo việc làm cho trên 10.000 lao động; nguồn thu ngân sách từ hoạt động khai thác và tuyển khoáng sản đạt bình quân từ 1.500 đến 1.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 15-20% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh.
Hoạt động xuất khẩu khoáng sản được quản lý chặt chẽ. Công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác luôn được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ; tình trạng khai thác trái phép cơ bản đã được xử lý; Đã có sự chủ động của địa phương và phối hợp liên ngành trong việc quản lý từ khai thác đến vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu khoáng sản đạt hiệu quả.
Từ thực tế cho thấy bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn bộc lộ những vướng mắc, khó khăn như: Việc khan hiếm vật liệu do việc khai thác, thu hồi VLXDTT (cát, sỏi,...) trong lòng hồ thuỷ điện đang gặp khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện; Công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất thực hiện dự án còn nhiều vướng mắc, khó triển khai do chủ yếu liên quan chính sách đất đai trong việc thu hồi giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập…
Những điểm mới của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cho thấy sẽ tháo gỡ được những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói riêng và các địa phương trong cả nước. Trong đó nổi bật là, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có một chương mới về quản lý cát, sỏi, lòng sông, lòng hồ và khu vực biển. Chương này quy định mới, Luật hóa quy định Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; quy định mới về quản lý cát ở vùng biển. Theo đó, quy định nguyên tắc của hoạt động thăm dò, khai thác; Hoạt động thu hồi cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và ở khu vực biển; Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thu hồi cát, sỏi.
Một trong những quy định mới là tổ chức, cá nhân thu hồi cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển trong quá trình nạo vét được thu hồi, sử dụng, tiêu thụ cát, sỏi thông qua hoạt động nạo vét, duy tu vùng nước cảng nội địa, vùng nước đường thủy nội địa, hồ chứa, khu vực cửa sông, cửa biển, khu vực tránh, trú bão, khu neo đậu tàu, thuyền theo dự án, kế hoạch được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Với quy định như vậy sẽ thắt chặt về công tác quản lý trong hoạt động cát, sỏi; đảm bảo công tác cấp phép và hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi được thực hiện đúng quy định, tránh nguy cơ thất thoát tài nguyên, ổn định lòng sông, bờ sông, lòng hồ, khu vực biển, đảm bảo về môi trường và nguyên vật liệu cho các dự án công trình phát triển kinh tế - xã hội.
Với quy định phân nhóm khoáng sản để thực hiện quản lý khoáng sản theo nhóm; phân cấp mạnh cho địa phương cấp tỉnh; cải cách hành chính; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng kinh tế hàng năm; sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược...
Đáng chú ý, về cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có 23 thủ tục. Trong số này, 18 thủ tục được kế thừa từ hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản hiện hành, 5 thủ tục mới (bao gồm điều chỉnh giấy phép thăm dò; cấp lại giấy phép thăm dò; điều chỉnh giấy phép khai thác; cấp lại giấy phép khai thác; điều chỉnh đề án đóng cửa mỏ) nhằm giải quyết các yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý và để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản. Các thủ tục hành chính đã được rà soát, đơn giản tối đa trình tự, thủ tục giải quyết. Ví dụ, đối với khoáng sản nhóm IV, thay vì phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác thì chỉ cần thực hiện đăng ký khai thác khoáng sản (cắt giảm 90% thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp).
Như vậy, việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo từng nhóm sẽ giúp cho địa phương có thẩm quyền và chủ động trong việc cấp phép theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, phù hợp với quy hoạch chung của địa phương.
Một điểm mới nổi bật khác của Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản là bổ sung quy định tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo hướng “tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế hàng năm” sẽ giúp nhà đầu tư không mất khoản chi phí lớn tại thời điểm bắt đầu triển khai dự án. Việc quyết toán tiền theo sản lượng thực tế sẽ công bằng hơn về vấn đề chênh lệnh giữa trữ lượng thăm dò sản với sản lượng thực tế. Điều này sẽ có lợi cho nhà đầu tư cũng như Nhà nước khi trữ lượng khai thác có thể không chính xác lúc khảo sát, thăm dò. Đồng thời, sẽ khắc phục được hạn chế của quy định cũ là tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên trữ lượng khoáng sản được phê duyệt, mà trữ lượng này thường hay bị sai số.
Thiết nghĩ, để đảm bảo Luật Địa chất và Khoáng sản mới được phát huy hiệu quả cao nhất; góp phần nâng cao chất lượng quản lý, phát huy hiệu quả nguồn lực tài nguyên khoáng sản cũng như chống lãng phí, thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia, Quốc hội sớm thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản thay thế Luật khoáng sản năm 2010 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới. Song trong đó, cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung về đấu thầu dự án khai thác khoáng sản để lựa chọn nhà đầu tư và chỉnh lý các nội dung liên quan về đấu giá quyền khai thác khoáng sản để bảo đảm thực hiện công bằng đối với các nhà đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà nước, người dân và doanh nghiệp, địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; Nghiên cứu chỉnh lý, bổ sung quy định mở rộng đấu giá quyền khai thác khoáng sản để giảm bớt tiêu cực, nhũng nhiễu; tăng hiệu quả trong khai thác, sử dụng khoáng sản; tăng thu cho ngân sách./.