image banner
Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người
CTTĐT - Sáng 30/7/2024, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Bộ Công an phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và UBND tỉnh Lào Cai long trọng tổ chức Lễ phát động “Chung tay phòng, chống mua bán người” hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2024 với chủ đề “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”.
anh tin bai

Các đại biểu dự Lễ phát động

Dự Lễ phát động, về đại biểu phía Trung ương có đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ; Đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ; các đồng chí là lãnh đạo, cán bộ các ban, bộ, ngành, cục, vụ Trung ương. Hội LHPN của một số tỉnh, thành phía Bắc; đại diện các tổ chức quốc tế; đại sứ quán Vương quốc Anh.

Về phía đại biểu tỉnh Lào Cai, dự Lễ phát động có đồng chí Đặng Xuân Phong - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh; đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

anh tin bai

Đ/c Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu khai mạc Lễ phát động

anh tin bai

Đ/c Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu chào mừng tại Lễ phát động

Khai mạc Lễ phát động chung tay phòng, chống mua, bán người hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7, đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thông tin: Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Mua bán người luôn là vấn đề nóng, không chỉ với mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn nạn toàn cầu. Báo cáo Toàn cầu về Mua bán người gần đây nhất của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cho biết: Cứ 03 nạn nhân mua bán người trên thế giới, lại có một nạn nhân là trẻ em; trẻ em bị mua bán phải chịu đựng bạo lực cao hơn người lớn. Trẻ em phải đối mặt với tình trạng lạm dụng, ép buộc lao động, bị bán làm cô dâu, phải đi lính hay buộc phải tham gia các hoạt động phạm pháp.

anh tin bai

Các đại biểu xem phóng sự: Phản ánh tình hình, kết quả công tác phòng, chống mua bán người; phương thức, thủ đoạn, khó khăn, thách thức; câu chuyện về nạn nhân và cuộc chiến chống lại nạn mua bán người để “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin đã và đang mang lại nhiều tiện ích nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng, trong đó có trẻ em trên môi trường không gian mạng. Các nền tảng trực tuyến khiến trẻ em có nguy cơ trở thành đối tượng bị bóc lột tình dục và bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời cho phép những kẻ mua bán người bóc lột nạn nhân ở phạm vi xuyên biên giới. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: "Chúng ta phải tăng cường các phản ứng bảo vệ - bao gồm các cơ chế tư pháp với trẻ em, nâng cao nhận thức, hỗ trợ trẻ em không có người đi cùng khi thực hiện các hoạt động di chuyển, chăm sóc cho những nạn nhân sống sót và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc bóc lột bằng cách hỗ trợ những gia đình dễ bị tổn thương”.

anh tin bai

Đại diện học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai Phát biểu cảm nghĩ về công tác phòng, chống mua bán người

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm nay, tình hình tội phạm mua bán người có những diễn biến phức tạp, gia tăng so với cùng kỳ năm 2023. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh 50 vụ mua bán người với 126 nạn nhân; mua bán trẻ em 48 vụ với 121 nạn nhân.

Tội phạm mua bán người tiếp tục triệt để lợi dụng nền tảng mạng xã hội, kết nối, tương tác người dùng, chế độ ẩn danh bảo mật thông tin người gửi, tiếp cận nạn nhân qua các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Wechat…) để dụ dỗ, lừa gạt, hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”, sau đó bán nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp, bán dâm hoặc đòi tiền chuộc với số tiền lớn. Các đối tượng lập hội, nhóm kín “cho và nhận con nuôi” trên mạng xã hội, tìm kiếm những phụ nữ có thai gặp khó khăn khi sinh và nuôi con để xin hoặc mua lại những bé mới sinh, chuẩn bị sinh. Sau đó, các đối tượng đem bán cho người khác, với danh nghĩa cho nhận con nuôi để hưởng lợi, kèm theo các dịch vụ làm các giấy tờ giả nhằm hợp thức nguồn gốc của trẻ. Bên cạnh đó, tội phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, du lịch, thăm thân... để lừa bán phụ nữ, trẻ em.

anh tin bai

Bà Park Mi Hyung, Trưởng phái đoàn Tổ chức di cư quốc tế phát biểu tại buổi lễ

Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài đã tiếp nhận thông tin và giải cứu 11 công dân nghi là nạn nhân bị mua bán (Phi-líp-pin: 05; Lào: 06) trong đó đã đưa về nước an toàn 09 trường hợp. Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài 111) tiếp nhận 780 cuộc gọi, tăng 75 cuộc so với cùng kỳ năm 2023; thực hiện hỗ trợ cho 30 người có dấu hiệu và nguy cơ là nạn nhân của mua bán người, trong đó, có 15 nạn nhân là nam, 15 nạn nhân là nữ; 29 nạn nhân là người dân tộc Kinh, 01 nạn nhân là người dân tộc thiểu số. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, xác minh 85 người (bao gồm cả những người nghi là nạn nhân bị mua bán).

6 tháng đầu năm 2024, Tổng đài 1900 96 96 80 của Ngôi nhà Bình yên (NNBY) thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (TW Hội LHPN Việt Nam) đã tiếp nhận 942 cuộc gọi (tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái), thực hiện 1.546 lượt tham vấn. Tổng số người tạm lánh của NNBY Hà Nội và Cần Thơ là 43 người, trong đó nạn nhân bạo lực gia đình là 34 người tạm trú (NTT), nạn nhân mua bán trở về là 09 NTT, gồm 25 phụ nữ, 18 trẻ em. Trong kỳ báo cáo, có 144 phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình (BLGĐ), nạn nhân mua bán người (MBN) trở về được phát hiện (BLGĐ 123 người, MBN 21), các cấp Hội đã giúp đỡ 122/144 nạn nhân được tiếp cận ít nhất 01 dịch vụ trợ giúp xã hội, đạt tỷ lệ 85%.

Lào Cai có trên 182 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nạn mua bán người đã và đang là mối quan tâm lớn của toàn cầu và các quốc gia. Hậu quả của nạn mua bán người đối với nạn nhân, gia đình và xã hội. Tội phạm mua bán người cũng đe dọa đến sự ổn định về trật tự an toàn xã hội, liên quan trực tiếp đến các vấn đề an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện các kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138/CP về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền.

Trong bài phát biểu chào mừng tại buổi lễ, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, thời gian tới, Lào Cai xác định tập trung nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội như tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ cập giáo dục, pháp luật nhằm nâng cao trình độ nhận thức, dân trí về pháp luật. Chủ động nắm chắc tình hình trên các tuyến, địa bàn trọng điểm liên quan đến hoạt động mua bán người. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Tăng cường hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

anh tin bai

Đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động

Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao Bộ Công an, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan liên quan đã phối hợp tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người năm 2024.

anh tin bai

Các đại biểu đã thực hiện nghi thức cam kết hành động phòng, chống mua bán người và hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ, toàn diện về phòng, chống tội phạm mua bán người và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới và Việt Nam còn diễn biến phức tạp với cách thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác phòng, chống mua bán người còn nhiều thách thức. Trước tình hình đó các cấp bộ, ngành, địa phương cần xác định phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, hướng dẫn; nhân rộng các phong trào, mô hình sáng kiến tốt với các hình thức phù hợp với từng vùng, miền. Kịp thời phát hiện nguy cơ từ sớm, từ xa, từ cơ sở, quyết liệt thực hiện đấu tranh, ngăn chặn tội phạm. Tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về phòng, chống mua bán người, tích cực hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”. Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong đấu tranh, ngăn ngừa tội phạm.

Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của mọi tầng lớp Nhân Dân với tinh thần “chung sức, đồng lòng”, quyết tâm thành công trong đẩy lùi tội phạm mua bán người.

Tại đây, các đại biểu đã thực hiện nghi thức cam kết hành động phòng, chống mua bán người và hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7./.

Linh Vũ

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập